Một số điểm mới của Thông tư 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 về quy trình tiếp công dân.
Thông tư số 04/2021/TT-TTCP gồm 04 Chương và 12 Điều, rút gọn hơn so với Thông tư số 06/2014/TT-TTCP (có 06 Chương và 34 Điều). Theo đó các nội dung Tiếp người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh được quy định trong Chương II, trong khi tại Thông tư số 06/2014/TT-TTCP các nội dung này được quy định riêng trong từng Chương.
Đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2, bỏ đối tượng “đơn vị vũ trang nhân dân”, bổ sung thêm “ cơ quan thuộc Chính phủ”. Đồng thời quy định rõ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến trình bày trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.
Mục đích tiếp công dân được quy định cụ thể, ngắn gọn tại Điều 3:
1. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc từ chối tiếp công dân được quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 4:
Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.
Trường hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. (Trước đây ở Thông tư 06/2014/TT-TTCP chỉ quy định người tiếp công dân ra thông báo từ chối tiếp công dân).
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có). Khi tiếp người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân. Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp luật tố cáo.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.
Kết thúc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ra thông báo kết luận việc tiếp công dân.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2021.