Ninh Bình: Cương quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình chia sẻ về các giải pháp quyết liệt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua?

Ông Phan Thế Anh: Trong năm 2023, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Bình, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch trong năm 2023, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình trao đổi với phóng viên

Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra 571 vụ, xử lý 388 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.2 tỷ đồng (đạt 122,1% so với chỉ tiêu nghiệp vụ được giao). Điển hình, trong năm Cục đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử lý Công ty cổ phần thời trang Yody chi nhánh Ninh Bình với số tiền thu phạt hơn 1,2 tỷ đồng đối với hành vi bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất của hàng hóa. Qua đó, nhiều vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả đã bị phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

PV: Thời điểm cuối, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là thời điểm hay xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, thời điểm cuối năm 2003, Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phan Thế Anh: Dự báo tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; để góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời chỉ đạo quyết liệt toàn lực lượng triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của cấp trên.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo đó, Cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ... chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024 như: Bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm,... chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số (các sàn giao dịch thương mại như Shopee, Lazada, Tiki... các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok...).

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

PV: Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các pháp nhân kinh doanh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Cục Quản lý thị trường triển khai ra sao thưa ông?

Ông Phan Thế Anh: Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực, trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tổ chức, vận động cho 291 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, cam kết “Không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm” và tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, khi tình hình xăng dầu có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đóng cửa do không đủ nguồn cung.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với lực lượng chức năng tiêu huỷ rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên giám sát, yêu cầu các cửa hàng nghiêm chỉnh chấp hành các hoạt động trong kinh doanh xăng dầu, đề nghị thương nhân phân phối đảm bảo nguồn hàng cho cửa hàng, đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp mua bán xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Trong tháng 11/2023, Cục sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền các kiến thức văn bản vi phạm pháp luật cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Thường xuyên đăng tải các tin tức nổi bật về hoạt động của đơn vị trên trang web của Cục. Đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thống về công tác chỉ đạo điều hành, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của lực lượng, bảo đảm thông tin kịp thời, trung thực, khách quan tạo sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tổ chức hội nghị phân biệt hàng thật, hàng giả, nhận diện thương hiệu; phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Truyền thông, quảng bá các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong các dịp Lễ hội, Tết, hội chợ thương mại.

Xin cảm ơn ông!

 

Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp