Ninh Bình: Ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024
Theo Quyết định số 779/QĐ-QLTTNB ngày 25/12/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, trong năm 2024 dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra đối với 149 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối tượng kiểm tra là những tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh rượu, các sản phẩm thuốc lá; sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; kinh doanh trên thị trường về: mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; hàng điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đường cát.
Nội dung kiểm tra liên quan đến việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh; điều kiện trong sản xuất, kinh doanh về nhóm mặt hàng, lĩnh vực theo quy định. Bên cạnh đó, Cục cũng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá; sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hoá, chất lượng hàng hoá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý thị trường.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra thêm các nội dung chuyên ngành theo quy định tương ứng đối với nhóm hàng hóa theo định hướng của Bộ Công thương đối với mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh tại thời điểm ban hành Quyết định kiểm tra.
Thời gian thực hiện sẽ tiến hành từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 15/11/2024; cơ quan chủ trì là các Đội Quản lý thị trường trực thuộc, ngoài ra căn cứ theo tính chất mặt hàng, nội dung kiểm tra các Đội Quản lý thị trường sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thuộc địa bàn quản lý như các cơ quan chuyên môn của UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế...) để tiến hành kiểm tra.
Theo Cục QLTT tỉnh, mục đích của việc kiểm tra nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để góp phần phát triển sản xuất, bình ổn thị trường trên địa bàn, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thông qua công tác kiểm tra định kỳ để đánh giá tình hình thị trường, qua đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức và cá nhân kinh doanh, đồng thời phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Chi tiết nội dung Quyết định xem tại đây!