15 Ấn chỉ vàng năm 2024 của lực lượng Quản lý thị trường
Ấn chỉ vàng là Giải thưởng thường niên được Tổng cục Quản lý thị trường xét chọn nhằm biểu dương những vụ việc điển hình được các Đội QLTT phát hiện, kiểm tra, xử lý trong năm. Xin giới thiệu 15 vụ việc điển hình đạt Giải Ấn chỉ vàng 2024 của lực lượng Quản lý thị trường:
1. Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Cà Mau
Ngày 18/6/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store địa chỉ 143A, đường Nguyễn Công Trứ, khóm 1, phường 8, thành phố Cà Mau do bà Nguyễn Thị Mai là chủ, phát hiện bà Nguyễn Thị Mai sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đăng ảnh, quay phát trực tiếp (livestream) nhằm mục đích bán hàng cho người tiêu dùng qua hình thức thương mại điện tử. Đội tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong 19.476 sản phẩm là quần áo may sẵn, mỹ phẩm, túi xách các loại, nước hoa, mỹ phẩm, thức ăn nhanh…, trị giá hàng hóa trên 1.100.674.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính 141.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, với số tiền là 2.359.371.000 đồng. Đến nay, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Mai đã thực hiện xong hình thức xử phạt, riêng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp thì Đội đang đôn đốc thực hiện. Đây là một trong những vụ việc kiểm tra thương mại điện tử lớn nhất địa bàn tỉnh Cà Mau trước đến nay.
2. Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn
Ngày 23/9/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn chủ trì tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Newhome. Công ty TNHH Newhome thực hiện lắp ráp, dán các nhãn hiệu PANASONIC, PHILIPS lên các sản phẩm bếp điện từ (là hàng hóa thuộc nhóm 11) nhưng không có giấy tờ, chứng từ chứng minh đã được chủ sở hữu quyền nhãn hiệu PANASONIC, PHILIPS, cho phép sản xuất, lắp ráp là có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Điều 129, Luật sở hữu trí tuệ. Lô hàng vi phạm có trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Ngày 25/9/2024, Đội QLTT số 6 tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn để truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
3. Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình
Ngày 05/6/2024, Đội QLTT số 7 chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường - Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Hoàng Gia là xưởng sơ chế thực phẩm có địa chỉ tại đội 18, thôn Phúc Tự Tây, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Kết quả kiểm tra phát hiện 2.590 kg sản phẩm động vật đông lạnh các loại gồm: 1.215kg cánh gà khúc giữa, đùi tỏi gà, chân gà đông lạnh sản xuất tại nước ngoài và 1.375kg chân gà rút xương nhãn hiệu HOÀNG GIA do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Hoàng Gia tự sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất số lượng hàng hóa nói trên. Tổng giá trị của toàn bộ tang vật vi phạm 98.150.000 đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 136.312.500 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm với trị giá 97.928.000 đồng
4. Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang
Ngày 04/4/2024, Đội QLTT số 2 phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Môi trường - Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tiệm vàng Kim Anh Bông Hồng. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng hóa là đồ trang sức nhãn hiệu CHANEL, loại mặt dây chuyền, số lượng 15 cái. Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu Trí tuệ IPT là đại điện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của CHANEL xác nhận 15 cái mặt dây chuyền gắn nhãn hiệu CHANEL đang bị tạm giữ là hàng giả mạo nhãn hiệu CHANEL. hàng hóa bị tạm giữ có tổng giá trị là 196.700.000 đồng. Đơn vị đã tiến hành xử phạt với số tiền 205 triệu đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng; buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là mặt dây chuyền, số lượng 15 cái gắn nhãn hiệu CHANEL, tổng trị giá 196.700.000 đồng
5. Đội QLTT số 3, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 13/3/2024, Đội QLTT số 3 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao kiểm tra Hộ kinh doanh Lê Quốc Thái, địa chỉ tại số 374 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phủ và 64/18 đường Nguyễn Cảnh Chân, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 phát hiện tại đây kinh doanh 10.266 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử các loại, phụ kiện và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện từ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng tử trị giá hàng hóa vi phạm là 3.704.151.000 đồng. Kết quả, đơn vị đã tiến hành xử phạt với số tiền là 105.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
6. Đoàn thanh tra theo Quyết định số 2133/QĐ-TCQLTT ngày 12/9/2024
Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh khí tại Công ty TNHH Totalenergies LPG Việt Nam, Đoàn thanh tra theo Quyết định số 2133/QĐ-TCQLTT ngày 12/9/2024 của Tổng cục QLTT đã phát hiện và tiến hành Lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH TotalEnergies LPG Việt Nam với tổng số tiền nộp ngân sách là 5.279.018.425 đồng (bao gồm 567.000.000 đồng tiền phạt và 4.712.018.425 đồng tiền nộp lại số lợi bất hợp pháp) đối với 12 hành vi vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra.
7. Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Yên Bái
Ngày 13/8/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất kinh doanh bóng GolF do ông Trần Xuân Long làm chủ, địa chỉ: Xã giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Qua kiểm tra, phát hiện 33.500 quả bóng GolF các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá lô hàng hóa có giá trị gần 700.000.000 đồng. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định. Ngày 24/9/2024. Đội đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục xác minh làm rõ các hành vi vi phạm.
8. Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng
Ngày 15/5/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công An tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Như Linh. Quá trình kiểm tra đoàn kiểm tra đã lấy và gửi đi thử nghiệm chất lượng 01 mẫu phân bón NPK - vi lượng nhã hiệu NPK-S Lâm Thao 16-16-8 +6S sản xuất tại Công ty cổ phần supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao, số lượng tại kho: 15.250 kg. Kết quả phát hiện mẫu phân có hàm lượng Canxi và magie không đạt chất lượng, trị giá hàng hóa vi phạm: 216.702.500 đồng. Hàng hoa vi phạm đã tiêu thụ, trị giá: 183.754.000 đồng; Đội đã tiến hành xử phạt VPHC: 584.385.000 đồng đồng thời buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng đối với hàng hóa vi phạm là Phân bón phân bón NPK - vi lượng nhã hiệu NPK-S Lâm Thao 16-16-8 +6S số lượng 15.250 kg.
9. Phòng Nghiệp vụ 2, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường
Ngày 03/12/2024, Phòng 2, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT thành phố Hà Nội và Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tại địa điểm kinh doanh và sản xuất nước uống tăng lực xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Redbull và Hình” tại Chi nhánh Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát Việt - Mỹ - Nhà máy sản xuất và Địa điểm kinh doanh đồ uống tại địa chỉ: số 1 ngõ 90 Vũ Quỳnh, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị đã tiến hành tạm giữ: 2.225 thùng tương ứng với 53.400 lon, 148.500 vỏ lon. Tổng trị giá tang vật vi phạm tạm giữ: 489.734.884,7 đồng. Tổng số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đã giao dịch theo hóa đơn: 41.3000 thùng tương ứng 991.200 lon, 503.316 vỏ lon. Trị giá hàng hóa đã giao dịch: 4.980.114.313 đồng. Vụ việc đang được xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
10. Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh
Ngày 23/6/2024, Đội QLTT số 1 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hòn Gai và Trung đội vận tải Hỗn hợp Phòng Hậu cần kỹ thuật - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám Mảng bè có gắn động cơ (Thân khoang lái có ghi số 556) tại Cảng tàu Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Vụng Oản, Phường Hồng Gai, TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Tại thời điểm khám mảng bè có: (1) 250.000 dây Hàu giống (10 mảnh Hàu giống/dây, 150g/dây), (2) 50.000 dây Hàu giống (8 mảnh Hàu giống/dây, 600g/dây) không xác định nguồn gốc, xuất xứ của ông Ngô Văn Hường địa chỉ: Khu 9, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Đội QLTT số 1 xác định ông Ngô Văn Hường đã có hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ là Giống thuỷ sản (Hàu giống) có trị giá 1.500.000.000 đồng xử phạt VPHC với số tiền 90.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
11. Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT
Ngày 03/10/2024, Tổ TMĐT - Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn ZENPALI; địa chỉ: Tầng 6 - CT2, Tòa nhà Ecogreen, số 286 Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đang chứa trữ: 10.207 chai nước hoa các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị: 977.093.000 đồng và 288 set dưỡng thể nhập lậu, tổng giá trị: 37.152.000 đồng.
Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn ZENPALI đã có hành vi vi phạm "Cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu". Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty với mức xử phạt 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện 02 cá nhân liên quan đến vụ việc. Cục Nghiệp vụ đã có Tờ trình trình Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường ban hành Quyết định xử phạt theo quy định. 01 cá nhân xử phạt: 127.500.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được: 146.185.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. 01 cá nhân xử phạt: 93.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được: 25.182.175
12. Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh
Ngày 06/06/2024, Đội 3, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp Đội QLTT số 2 và Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra Cơ sở kinh doanh lương thực đại lý gạo Mỳ Tịnh có địa chỉ: thôn Phúc Nghiêm, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do Nguyễn Minh Tuệ, trú quán tại Bắc Ninh làm chủ. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang sản xuất, buôn bán hàng hoá là gạo các nhãn hiệu “GẠO ÔNG CUA và hình”, “GẠO ST25 LÚA-TÔM”, trên bao bì thể hiện “SẢN XUẤT & ĐÓNG GÓI BỞI DNTN HỒ QUANG TRÍ” tại tỉnh Sóc Trăng”. Số lượng hàng hóa tại thời điểm này gần 5 tấn, bao gồm 800kg thành phẩm đã được đóng gói bao bì, cùng 4 tấn gạo bán thành phẩm cùng máy móc cho việc sản xuất, đóng gói sản phẩm. Toàn bộ số hàng hóa được Hộ kinh doanh chào bán trên sàn thương mại điện tử Shoppe dưới tài khoản: “ĐẠI LÝ GẠO HỒNG ANH”.
Ngay sau đó, Đội QLTT số 3 có văn bản gửi Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN là đại diện theo uỷ quyền của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí kết luận các sản phẩm, vật phẩm bị tạm giữ nói trên không phải là sản phẩm do DNTN Hồ Quang Trí sản xuất hoặc đóng gói, cũng như không phải được sản xuất hoặc đóng gói bởi bất kỳ đơn vị thứ ba nào được DNTN Hồ Quang Trí cho phép sử dụng nhãn hiệu. Chỉ dẫn trên bao bì, mã số trên sản phẩm bị tạm giữ hoàn toàn trung khớp với thông tin in trên bao bì sản phẩm gạo chính hãng và thông tin của DNTN Hồ Quang Trí theo Giấy chứng nhận được cấp bởi Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng. Đội đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra làm rõ. Theo đó, ngày 16/8/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Tuệ về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực. Quá trình điều tra, được biết, ông Tuệ đã bán thành công tổng số 1487 sản phẩm gạo ông cua trên sàn thương mại điện tử, thu về số tiền 190 triệu đồng. Như vậy, tổng số sản phẩm gạo giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa gạo ông Cua cơ sở này đã sản xuất đóng gói là 1647, trị giá trên 362 triệu đồng.
13. Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị
Ngày 30/7/2024, Đội QLTT số 1 tiến hành khám phương tiện vận tải xe ô tô tải mang biển số đăng ký: 49C-150.90. Kết quả khám phát hiện trên phương tiện có vận chuyển: 28.550 kg đường cát nhập lậu. Chủ sở hữu của tang vật vi phạm là của Hộ kinh doanh Tạp hoá Hoàng Tiến, địa chỉ: 03 Trần Nhật Duật, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị do ông Lê Hoàng Tiến làm đại diện theo pháp luật. Ngày 20/8/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh nêu trên với tổng trị giá tang vật tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 1.114.100.000 đồng (trong đó số tiền phạt vi phạm hành chính là 95 triệu đồng; buộc đối tượng vi phạm nộp lại số tiền trị giá tương đương phương tiện vi phạm là 520.200.000 đồng, tổng trị giá tang vật tịch thu là 498.900.000 đồng.
14. Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Phú Yên
Ngày 23/01/2024, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải do ông Nguyễn Thanh Tuấn là người điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển: 1.908 chai Rượu hiệu CHIVAS REGAL 18 do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và hàng hóa không có dán tem rượu nhập khẩu theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là: 1.812.600.000 đồng. Do vụ việc vượt thẩm quyền, Cục QLTT tỉnh Phú yên đã chuyển hồ sơ vụ việc đến chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo quy định. Theo đó, ngày 01/02/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định XPVPHC đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn số tiền 90 triệu đồng về hành vi Cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính gồm 1.908 chai Rượu hiệu CHIVAS REGAL 18 có trị giá trên 1,8 tỷ đồng.
15. Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 12/12/2023, Đội 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị liên quan Khám phương tiện vận tải, đồ vật đối với xe ô tô tải do ông Phạm Văn Lộc sinh năm 1989 điều khiển, vận chuyển 3.000 chai mật ong do Công ty TNHH Ong Hòa Bình, địa chỉ TDP Hưởng Lộc, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với Công ty TNHH Ong Hòa Bình do ông Nguyễn Văn Thái làm giám đốc, ghi nhận công ty sản xuất 690 chai Mật ong Hòa Bình thành phẩm cùng một lượng mật ong bán thành phẩm chưa thực hiện dán nhãn cùng 03 thùng nhựa màu xanh đựng chất lỏng màu nâu nguyên liệu dùng để sản xuất, 01 thùng nhựa màu trắng đựng chất lỏng màu nâu nguyên liệu dùng để sản xuất, một lượng lớn bộ nhãn hàng hóa, vỏ thùng carton, vỏ chai nhựa. Đội QLTT số 5 đã tiến hành lấy 02 mẫu hàng hóa do Công ty TNHH Ong Hòa Bình sản xuất, để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm này không đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn của mật ong theo tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam TCVN 12605:2019. Mẫu không phát hiện protein mật ong, có phát hiện đường từ thực vật C4. Tổng trị giá hàng hóa gần 96 triệu đồng.
Sau khi thẩm tra, xác minh, làm việc với đại diện Công ty TNHH Ong Hòa Bình. Đội QLTT số 5 đã kết luận Công ty TNHH Ong Hòa Bình do ông Nguyễn Văn Thái làm giám đốc đã có hành vi sản xuất hàng hóa là Mật Ong không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký là hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng theo quy định. Ngày 30/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sản xuất hàng giả là thực phẩm, xảy ra tại Công ty TNHH Ong Hòa Bình.